Người Hà Nội sành ăn nên ngay
từ cái bánh cuốn cũng phải thật cầu kỳ chu đáo. Bột làm bánh phải làm từ
thứ gạo ngon, thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng. Tráng bánh
phải thật mỏng, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào
thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho
bánh không thô, nhân đều từng cái.
Trong thúng, bánh được xếp thành từng lớp gối nhau trên những tàu lá
chuối xanh màu ngọc thạch, sắc trắng pha những đốm nhân màu hồng sậm của
thịt và màu nâu của mộc nhĩ nổi bật lên một cách hiền lành. Khi ăn,
bánh được bàn tay người bán nhẹ nhàng bóc từng lớp mỏng tang rồi cuộn
lại,bày trên những chiếc đĩa khiêm nhường.
Bánh thơm dịu, êm êm được dầm vào trong chén nước mắm nhỏ xíu xinh
xắn rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự kết hợp nhịp nhàng. Mùi thơm
của bánh và nhân quyện lẫn cái vị chua cay mặn ngọt của nước chấm, lại
thêm vài giọt tinh cà cuống nữa thì thật là tuyệt. Với cách bán hàng như
thế, chỉ một cái thúng đội trên đầu, các bà, các cô vùng Thanh Trì đi
khắp các ngõ phố rao bán. Người bán lại chiều khách và luôn sẵn sàng đặt
thúng bánh xuống bên vỉa hè hay trong ngõ phố cho mấy bác xích lô, mấy
chị bán hàng ăn. Bán như thế, ăn như thế, nhưng ngon, thật ngon và không
lẫn với bất cứ thứ bánh cuốn nào.
|
Xưa khi ăn bánh cuốn Thanh Trì người ta thường thêm vài miếng đậu rán
thật nóng, thật phồng. Tuy nhiên ngày nay có thể do ăn bánh cuốn như thế
thanh nhã quá nên người ta đã điểm vào một vài miếng chả rán hay thịt
quay ba chỉ giòn tan. Một thứ mềm mà thanh, một thứ thì nục nạc mà giòn,
ngậy, béo tạo ra một mâu thuẫn nhưng cũng cho cái vị là lạ.
Bánh cuốn Hà Nội ngày nay có nhiều loại và đã trở thành món quà sáng
rẻ mà ngon. Có loại ăn nguội, có loại ăn nóng, có loại có nhân thịt, có
loại không nhân... mỗi thứ cho một khẩu vị riêng. Song ngời ta vẫn nhắc
đến bánh cuốn Thanh Trì như một sản phẩm của nghệ thuật ẩm thực dân dã.
Theo Món ngon Hà Nội