Nếu tôi có triệu đóa hồng tôi sẽ tặng chúng hết cho mẹ vì hàng triệu thứ mẹ đã làm vì tôi.
Bánh cống Cần Thơ
[08 / 11 / 2010]
Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ
quên. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi
chiều hay tối, từ khoảng bốn năm giờ trở đi.
Trước tiên, cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình
dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh.
Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống
bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hư hơn.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế
qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay
mịn. Sau khi "bồng" bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta
lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước,
hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ
bánh xèo. Có người còn cho thêm vào bột vài quả trứng gà cho thêm phần
thơm ngon.
Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn,
xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột
nêm.
Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Tôm không nên bỏ vỏ vì lột vỏ đi chiên lên mất giòn.
Sau đó chuẩn bị chảo loại sâu lòng. Dầu ăn cho vào chảo phải đủ ngập
một cái cống. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho
vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một
lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu
đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào
trong. Chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa.
Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt
xoài, cải đắng, xà lách, húng quế... Chỉ nhìn dĩa bánh vàng ươm và dĩa rau
tươi xanh là đã muốn thưởng thức. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên
trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh,
trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả
mùi vị và màu sắc.