"Mai mốt lớn bé hỏi ba, em sẽ trả lời thế nào?" Các chú bác vẫn thường hỏi mẹ câu hỏi đó khi nhắc đến con. Hôm nay, chú tổ phó công đoàn gửi mail bảo mọi người đăng ký tên con mình để tổ công đoàn chuẩn bị quà cho các cháu nhân ngày 1/6. Trong phần tái bút chú viết "Anh/Chị nào chưa có gia đình mà có con vẫn được chấp nhận, miễn là có giấy tờ chứng minh mối quan hệ". Đọc thấy dòng này mẹ cười buồn vì biết rằng chú cố ý viết riêng cho trường hợp của mẹ con mình. Mẹ biết rồi sẽ có một ngày con hỏi mẹ về người, về những gì đã xảy ra khiến con thành trẻ không cha khi chưa biết khóc dỗi đời. Con ơi, mẹ biết sẽ trả lời sao để con không phải đau lại nỗi đau của mẹ, cho con không có cái nhìn lệch lạc về tình người và cuộc sống!
"Em định nuôi con lớn để kể tội cha cho nó nghe hả?" Câu nói của người tại buổi hòa giải nội bộ cuối cùng ở ngân hàng vẫn vang rõ trong tim mẹ mặc dầu nỗi đau đã không còn như trước.
Mẹ và người gặp nhau trong buổi tiệc mừng một kèo môi giới chứng khoán thắng lợi của cô bạn cùng phòng vốn là sếp của người. Vì biết ý đồ của cô bạn, nên cảm nghĩ đầu tiên của mẹ là "trời đất, con nhỏ này nghĩ sao mà tính ghép đôi cái thằng vừa ốm, vừa xấu, vừa ăn nói lửng tửng vô duyên này cho mình!"
"Ghét của nào,..." Quả vậy, không biết do vô tình hay cố ý mà người và mẹ có vẻ hợp gu một cách kỳ lạ. Cái giọng nam bộ "mía lùi" của mẹ đã được bè một cách hoàn hảo với giọng trầm khỏe của người khi hát bài "Chim trắng mồ côi". Mẹ về Việt Nam bị thiếu bạn nhảy hơn năm trời cũng buồn. Người đăng ký tham gia lớp khiêu vũ tại Câu lạc bộ Lao Động và rủ mẹ học chung. Một đêm khi đang ăn khuya ở Tân Hải Vân với hai người bạn, người nhìn dòng xe taxi nối đuôi đón thả khách trước cửa tiệm mà ước rằng có bằng lái xe để đêm lái taxi kiếm thêm tiền. Lúc đó mẹ đã chạnh lòng thương cho sự chân thật về cái nghèo của người làm sao.
Sáu tháng quen nhau, mẹ đồng ý làm đám cưới theo sự hối thúc của ba người vì nghĩ rằng dẫu sao mình cũng cần có một mái ấm gia đình, với điều kiện sẽ không đăng ký kết hôn.
Vừa cưới xong thì mẹ cấn bầu nên bạn đồng nghiệp chọc: "Mới IPO xong là niêm yết luôn ha!" Mẹ cố cười để giấu đi sự lo lắng ngập đầy trong mắt. Đã hơn ba năm mẹ mắc căn bệnh hiếm chỉ có thể trị chứ không thể chữa dứt. Thuốc điều trị bệnh hạn chế khả năng thụ thai và gây nguy cơ thai chết hoặc quái thai rất cao. Nên, con đã đến với mẹ như một phép màu.
Mẹ quyết định giữ con, bỏ thuốc với sự khuyến khích của người. Con được ba tháng thai, mẹ không còn có thể ăn được chất cứng vì miệng và thực quản lở loét nặng. Con được bốn tháng thai, mẹ không thể ra đường vì toàn thân đầy bóng nước ngứa ngáy đau đớn vô cùng. Con được năm tháng thai, mẹ không còn ra khỏi giường vì mạng sống chỉ còn tính theo từng hơi thở. Đêm đó, khoảng ba giờ, mẹ thức dậy, lết ra trước bàn thờ đức Quán Thế Âm. Trần truồng, ghẻ lở, hôi thúi, kiệt quệ, mẹ khấn xin Bồ Tát cứu lấy mẹ con mình hoặc hãy cho mẹ được chết nhanh hơn. Rồi mẹ đánh thức người, kiên quyết được đưa vào bệnh viện FV dẫu bị ngăn cản - vì người ghét cái nơi "giá cắt cổ" đó. Một sức mạnh không ngờ nâng bước chân mẹ vào phòng, khoác áo, rồi bảo: "Nếu anh không đưa em đi, em sẽ bắt xe đi một mình".
Hai tuần cách ly, số bóng nước cũ đã khô đi, các nốt ngứa mới cũng giảm dần. Vị bác sĩ người Pháp nhân từ và thành thật ghé thăm mẹ con mình hàng ngày. Mỗi lần thấy ông, mẹ lại buồn cười nhớ lại việc mẹ đã phỏng vấn ông trước khi chịu cho điều trị: "How many pemphigus patient have you treated?" "One", ông nói. Và mẹ đã đồng ý giao sinh mạng của hai mẹ con mình cho ông ấy.
Sau gần một tháng dài nằm viện, mẹ về nhà ăn như chưa bao giờ được ăn, vui như chưa bao giờ được vui, và yêu người hơn bao giờ hết với lòng biết ơn những tháng ngày trở bệnh mẹ đã luôn được người cận kề bên. Để rồi trong lúc vô tình, người nói ra việc đã rút hết tiền tiết kiệm trong ngân hàng của mẹ.
Việc gì đến cũng phải đến, hôm đó là chiều chủ nhật, người từ võ đường về thông báo với mẹ "tin vui": "Anh đã được sư phụ nhận làm đệ tử chính thức, nên sắp tới chắc không còn thời gian dành cho em. Bây giờ mình ly thân, ba năm sau anh sẽ tìm nhận lại con."
Ngày người ra đi mẹ không chắc rằng mình còn có cảm giác gì. Chỉ biết rằng 800 ngàn đồng người để lại sẽ là tất cả tài sản mà mẹ có trong tay để sinh con.
Là người cứng đầu và quyết đoán, mẹ thường ít để ai gây áp lực cho mình, nhưng mẹ đã thuận lời ông ngoại nộp đơn khiếu nại với ngân hàng về số tiền tiết kiệm bị rút mất. Có lẽ lúc đó hình ảnh người phụ nữ ôm đứa trẻ sơ sinh núp bóng cây ven vỉa hè đường Lê Lợi gió bụi đã làm mẹ thật sự sợ hãi cho tương lai của hai mẹ con mình. Trong tim mẹ lại gào lên câu hỏi tại sao người ta có thể ác với mẹ thế!
Hôm trước ngoại tám chở mẹ đi nhảy đầm. Chạy ngang qua công viên Tao Đàn thấy một nhóm võ sinh đang tập, ngoại tám hỏi: "Ngày xưa con cũng trong đám đó phải không?" Mẹ nhìn kỹ thấy đúng là người xưa đang hướng dẫn môn sinh. Coi vậy mà cũng đã gần ba năm. Hình như người cũng không có gì thay đổi.
Cuộc sống bận rộn đã làm cho mẹ quên đi nỗi đau để đến khi nhìn lại vết thương thì thấy đã không còn nữa. Các mảng thẹo thâm đen trên khắp da thịt mẹ sau lần phát bệnh đã tự nhạt màu rồi biến mất. Và vết sẹo trong tim cũng vậy.
Ngẫm ra, mẹ thực biết ơn người. Ơn người đã trả cho mẹ sự tự do và thanh thản. Ơn người đã cho mẹ cơ hội ấn chứng nguồn sức mạnh tranh đấu cho sự sống. Và hơn hết, ơn người đã cho mẹ tìm được mục đích sống của đời mình, là con.
Yêu mẹ, nhớ đến mẹ, con phải càng biết ơn người. Con nhé!
WY