Bố là con trưởng, ông bà nội vẫn hằng mong có được đứa cháu đích tôn để nói dõi tông đường. Nhưng bố lại chẳng có con trai. Ngày mẹ sinh, biết tôi là con gái, bố vẫn chẳng buồn. Bằng chứng là bố luôn yêu thương và chăm sóc hai chị em tôi hết mực. Bố tôi ngày còn trẻ nghiện cả thuốc lá lẫn thuốc lào.
Nhưng từ ngày có chị tôi, bố nói rằng sẽ cai thuốc. Và bố làm được. Lớn lên một chút, chị được bố cho đi chơi công viên, đi mua quần áo. Mẹ kể Tết năm chị sáu tuổi, đi vào cửa hàng, mặc thử chiếc áo bông đẹp quá, chị mếu máo nhất định không chịu cởi ra. Bố lại không mang đủ tiền, vì nhà tôi ngày xưa cũng chẳng khá giả gì. Thế là bố đành để lại chiếc đồng hồ, cộng với số tiền trong túi, mua cho chị chiếc áo bông chần. Tết năm ấy, chị có áo mới, và tay bố chẳng còn đồng hồ.

Đến khi có tôi, bố lại càng chiều hơn, đến nỗi chị cũng phải phát ghen. Sinh nhật năm tám tuổi, tôi được bố mẹ tặng cho một chiếc đồng hồ mới. Vì là đồ nhựa, lại dùng thường xuyên, nên cái lẫy để cài dây không may bị gãy mất. Bố lấy mảnh dây đồng nhỏ, cặm cụi uốn thành chiếc lẫy cho tôi. Dây đồng màu vàng nâu, trông thật lạc quẻ với chiếc đồng hồ màu hồng. Tôi dài mồm chê nó xấu mù và chẳng thèm đeo nữa. Bố lặng lẽ cất chiếc đồng hồ vào tủ, và cho tôi tiền mua cái mới. Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để có thể nhận ra, mình đã làm bố buồn nhiều.

Năm lớp 12, đã thi xong học kỳ hai, bạn bè cùng lớp nghỉ gần hết để ở nhà xả hơi, ôn thi đại học. Tôi cũng đòi bố viết đơn xin nghỉ. Bố không đồng ý, bắt tôi phải đi học đầy đủ theo đúng nội quy. Tôi tức lắm, và nói rằng "Bố quá đáng lắm. Bố chẳng giống bố cái Trang bạn con. Bố không chiều con gì hết!". Bố nghe xong chỉ nói một câu "Thế thì sang mà làm con bố của bạn con, đừng làm con bố khổ lắm". Tôi lặng người, chạy về phòng nằm khóc. Không phải vì tôi giận bố đâu. Tôi giận mình, vì đã nói mà không suy nghĩ. Tôi là con gái của bố, chỉ mình bố thôi.

Vài tháng trước, hàng xóm nhà tôi có chuyện buồn. Hai bác ở đầu xóm, cũng chỉ có ba cô con gái. Các chị lớn lên và đi lấy chồng hết. Bác trai bị huyết áp, tiểu đường rồi biến chứng sang tim. Từ ngày bác bệnh, các chị viện cớ bận con cái, công việc, toàn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và chẳng mấy khi về thăm bố mẹ. Nhà chỉ có hai bác chăm nhau. Có lần tôi nghe bác gái vừa rơm rớm vừa kể chuyện với mẹ, đêm qua dìu bác trai đi vệ sinh, trượt chân hai người ngã dúi dụi trong nhà tắm, thâm tím hết cả người. Tối ngồi ăn cơm mẹ kể chuyện, bố chỉ nói một câu "Con mình sau này không thế đâu em!". Tôi ở trên nhà nghe được, mắt đỏ hoe và chỉ muốn chạy ngay xuống nhà ôm bố thật chặt.

Bức ảnh bố chăm sóc con gái trong những ngày thi Đại học từng gây xúc động mạng trong cộng đồng mạng
Tôi không chờ đến lúc sau này để chứng minh điều bố nói là đúng. Thời gian trôi nhanh lắm, và chẳng ai biết được ngày mai sẽ như thế nào. Tôi luôn cố gắng hết sức có thể, để thể hiện tình yêu thương của mình dành cho người hùng của tôi. Bố đèo tôi về quê, tôi vẫn ôm bố thật chặt, như con nhóc bé tí ngày nào, miệng nghêu ngao hát "Bố con mình dắt nhau về quê, ra đến bến lỡ tàu lỡ xe…". Thỉnh thoảng, tôi lại mua tặng bố vài món đồ nho nhỏ, khi thì đôi áo may-ô, lúc là chiếc thắt lưng mới. Lúc nào bố cũng hỏi mua hết bao nhiêu tiền, mua ở đâu. Tôi không nói thì bố bảo "Phải bảo bố để có ai hỏi bố còn biết đường khoe chứ!". Những hôm như thế, bố vui hơn, cười nhiều hơn. Tôi vẫn nói "Con yêu bố nhiều lắm" theo cách như vậy.

Người ta thường bảo "Con gái giống cha giàu ba họ", nhưng tôi chẳng quan tâm. Được sinh ra và làm con gái bố, với tôi đó đã là một điều kỳ diệu rồi.
Với con gái, mỗi ông bố luôn luôn là một người hùng vĩ đại.
Summer Breeze